Lễ hội Obon – Lễ Vu Lan báo hiếu của người Nhật Bản

Lễ hội Obon – Lễ Vu Lan báo hiếu của người Nhật Bản

Mùa hè tại Nhật Bản không chỉ là thời điểm để “thưởng thức” nắng và biển mà còn đánh dấu sự xuất hiện của một lễ hội vô cùng ý nghĩa – Lễ hội Obon. Liệu bạn đã biết thông tin gì về lễ hội Obon tại Nhật Bản? Và những hoạt động nào sẽ diễn ra trong lễ hội đặc biệt này? Hãy cùng LABS khám phá tất tần tật những điều thú vị chỉ có tại Obon festival để hiểu hơn về nét văn hóa độc đáo của đất nước mặt trời mọc ở bài viết này nhé!

Lễ hội Obon là gì?

Lễ hội Obon (Obon festival) là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng của người dân Nhật Bản với lịch sử hơn 500 năm. Tương tự kỳ nghỉ Tết và kỳ nghỉ “Tuần Lễ Vàng”, lễ hội Obon là kỳ nghỉ lễ dài nhất ở Nhật.

Lễ hội Obon là gì?
Lễ hội Obon là lễ Vu Lan báo hiếu truyền thống tại Nhật Bản

Xét theo tiếng Sanskrit, Obon có nghĩa là “treo ngược lên”. Dùng để ám chỉ một sự giải thoát lớn lao cho người chết khỏi cảnh khổ cực dưới địa ngục vì những tội ác mà họ đã làm. Đó là lý do nhiều người thường nói rằng lễ hội ngày không dành cho những người yếu bóng vía.

Ngày lễ Obon (Obon holiday) hay còn được gọi là Lễ Vu Lan báo hiếu tại Nhật, thường được tổ chức vào tháng 7 hoặc tháng 8 hằng năm (tùy vào vùng miền) và kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Người Nhật tin rằng trong thời gian này, các linh hồn của người đã mất sẽ quay về thăm gia đình và bạn bè. Do đó, lễ hội Obon của Nhật Bản được coi là cơ hội thích hợp để mọi người cùng làm lễ cầu nguyện và tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh tình cảm, tưởng nhớ những người đã khuất và chào đón linh hồn của họ trở về thăm gia đình.

Nguồn gốc ra đời lễ Vu Lan báo hiếu tại Nhật

Theo người xưa, Lễ hội Obon ở Nhật Bản bắt nguồn từ ngày Lễ Vu Lan ở Trung Quốc. Sự kết hợp giữa Vu Lan Bồn (Ullabama) của Phật giáo và đạo giáo Trung Nguyên đã cho ra đời tên gọi Lễ Vu Lan, sau khi nhập vào Nhật Bản đã được rút gọn thành Obon.

Nguồn gốc của lễ hội Obon Nhật Bản
Lễ hội Obon mang đậm nét truyền thống lâu đời tại Nhật Bản

Truyền thuyết kể rằng, nguồn gốc ra đời của Lễ hội Obon của Nhật Bản xuất phát từ câu chuyện của Mokuren (Mục Kiền Liên) –  một đệ tử Phật giáo. Mokuren đã có nhiều năm tu luyện và đạt pháp lực thâm hậu. Để tưởng nhớ đến người mẹ không may mất sớm, ông đã sử dụng pháp lực để xuống địa ngục tìm mẹ. Sau khi chứng kiến cảnh người mẹ trở thành quỷ đói và chịu đủ khổ cực nơi địa ngục, Mokuren đã tìm đến Đức Phật và bày tỏ mong muốn được giải thoát cho người mẹ.

Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của Mokuren, Đức Phật đã hướng dẫn ông mang đồ lễ để cúng cho những người tu hành vào ngày 15/7 hằng năm. Sau khi làm theo lời Đức Phật và hoàn thành lễ cúng, linh hồn của người mẹ đã được siêu thoát. Từ đó về sau, người dân Nhật Bản tin tưởng vào câu chuyện này và tiến hành tổ chức lễ Obon để thể hiện lòng biết ơn tới cha mẹ và linh hồn tổ tiên.

Trình tự diễn ra lễ hội Obon Nhật Bản

Lễ hội Obon thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày, bao gồm hai lễ chính là lễ Mukaebo (đón các linh hồn) và lễ Okuribon (tiễn các linh hồn). Trình tự chi tiết lễ hội Obon ở Nhật Bản diễn ra như sau:

Ngày 12: Chuẩn bị đón tổ tiên

Chuẩn bị đón tổ tiên
Chuẩn bị cho ngày đón tổ tiên

Vào ngày này, người dân sẽ chuẩn bị một mâm quả đầy đủ bao gồm dưa chuộng, cà tím cắm bằng tăm tre hoặc đũa kết thành hình các con vật. Theo quan niệm của người xưa, dưa chuột tượng trưng cho con ngựa và cà tím đại diện cho con bò. Nếu ngựa là phương tiện đưa những người đã khuất trở về dương gian nhanh chóng thì họ cưỡi bò để thong thả về nơi chín suối.

Ngày 13: “Mukaebi” (lửa đón)

Mukaebi (lửa đón)
Nghi lễ Mukaebi (lửa đón)

Ngày 13 là ngày lễ chính và đánh dấu sự bắt đầu của lễ hội Obon. Vào ngày này, người dân sẽ thực hiện nghi lễ “Lửa đón” để đón tiếp các linh hồn quay trở về. Vào chiều tối, họ sẽ đốt những cuốn gai Ogara đã tước vỏ với hy vọng linh hồn những người đã khuất sẽ dựa theo khói lửa để tìm đường trở về nhà. Ngoài ra, người dân có thể thay thế nghi thức đốt lửa bằng cách đem treo Mukaebi (đèn lồng) trước nhà để hướng dẫn đường đi và đón linh hồn tổ tiên.

Ngày 14 và 15: Viếng mộ trong lễ hội Obon

Đây là hai ngày chính của lễ hội Obon và được người dân Nhật quan tâm nhất. Trong hai ngày này, người dân sẽ thực hiện một loạt các hoạt động ý nghĩa như thăm viếng mộ, dâng hoa, thắp hương, cúng kiến, lau chùi và dọn dẹp vệ sinh phần mộ. Những hoạt động này nhằm mục đích thân mời người thân quá cố quay trở về thăm nhà.

Viếng mộ trong lễ hội Obon
Thăm viếng mộ trong lễ hội Obon Nhật Bản

Bên cạnh đó, họ còn đặt đồ thờ cúng gồm các loại bánh đặc trưng, trái cây và vật phẩm cúng. Mâm cỗ cúng luôn được thay đổi mỗi ngày và thực hiện xuyên suốt trong kỳ lễ để các linh hồn vui vẻ và cảm thấy mình luôn được chào đón. Ngày 14 và 15 cũng là thời điểm các sự kiện ngoài phố bắt đầu diễn ra.

Ngày 16: “Okuribi” (Lễ đưa tiễn các linh hồn)

Okuribi (Lễ đưa tiễn các linh hồn)
Okuri-bi (lễ đốt đèn) và thả đèn lồng đưa tiễn các linh hồn

Ngày cuối cùng trong lễ hội Obon ở Nhật Bản sẽ tiến hành nghi lễ đưa tiễn các linh hồn, ngay tại vị trí diễn ra lễ đốt “lửa đón”. Con cháu trong nhà sẽ dâng cúng bánh Okuridango để tiễn linh hồn ông bà tổ tiên. Sau đó, người dân sẽ thực hiện đốt lửa để tạo khói hoặc thả đèn lồng trên sông, mong rằng chúng sẽ dẫn đường cho các linh hồn trở về thế giới bên kia.

Khám phá điệu múa Bon Odori tại lễ hội

Cũng theo truyền thuyết kể trên, Mokuren vì quá vui mừng sau khi cứu được mẹ đã bắt đầu nhảy múa và điệu nhảy đã nhanh chóng được lưu truyền đến ngày nay với tên gọi “Bon Odori”. Có thể nói, Bon Odori (múa Bon) là một hoạt động thú vị và không thể thiếu trong lễ hội Obon.

Điệu múa Bon Odori tại lễ hội
Điệu múa Bon Odori dân gian đặc sắc tại lễ hội

Bon Odori là điệu múa dân gian truyền thống thể hiện nét đẹp văn hóa Nhật và được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Khi tham gia vũ điệu, mọi người sẽ tập trung theo vòng tròn và nhảy múa, ca hát cùng nhau trên nền nhạc Bon-odori uta (nhạc múa Bon) vui tươi, náo nhiệt. Hành động này thể hiện niềm tin của người dân về việc linh hồn những người đã khuất luôn bên cạnh và đang nhảy múa cùng họ.

Qua nhiều năm phát triển, điệu múa Bon Odori đã có sự cải tiến hơn ở nhiều phong cách khác nhau, mang đậm nét đặc trưng của mỗi vùng miền. Vài năm trở lại đây, một số khu vực đã thực hiện kiểu nhảy Bon Odori hiện đại trong ngày lễ Obon. Cụ thể, vũ công sẽ nhảy múa theo hàng thẳng và cầm quạt hoặc những chiếc khăn đầy màu sắc khi nhảy. Ngoài ra, nền nhạc sẽ dựa theo đạo cụ và có phần mới mẻ, sáng tạo hơn xưa.

Trải nghiệm điệu múa Bon Odori khi đến Nhật, nên hay không?

Đây là một câu hỏi được rất nhiều du học sinh và khách du lịch quan tâm khi ghé thăm đất nước mặt trời mọc. Tham gia Lễ hội Obon (Obon festival) và hòa mình vào không khí sôi động với điệu múa Bon Odori là một trải nghiệm tuyệt vời mà bất cứ ai cũng nên thử. Chỉ khi tham gia Bon-Odori, bạn mới thật sự cảm nhận rõ nét về bản sắc dân tộc và lịch sử lâu đời của vùng đất, con người Nhật Bản thông qua không khí, âm nhạc và vũ điệu.

Trải nghiệm điệu múa Bon Odori khi đến Nhật
Hoà mình vào điệu múa Bon Odori là trải nghiệm tuyệt vời khi đến Nhật Bản

Để tránh sự ngỡ ngàng, bạn hãy đứng ở vòng ngoài và quan sát cách mọi người nhảy múa. Sau đó, hãy dần dần tiến vào bên trong bằng cách di chuyển nhẹ nhàng và hòa nhập cùng mọi người. Theo kinh nghiệm du lịch Nhật Bản, tham gia điệu múa Bon Odori, bạn sẽ không bị ràng buộc về thời gian và trang phục. Tuy nhiên, một số du khách thực sự có hứng thú với hoạt động này thường lựa chọn mặc Yukata (loại áo dài truyền thống của Nhật Bản) và gắn quạt vào thắt lưng để tô thêm nét điệu đà cho trang phục.

Bên cạnh thể hiện ý nghĩa tốt đẹp về sự tưởng nhớ đối với tổ tiên, Lễ hội Obon còn là cơ hội để gắn kết tinh thần đoàn kết và lòng biết ơn đối với những người đã mất. Từ cách bố trí không gian đầy màu sắc đến trình tự diễn ra các nghi lễ, Obon festival đã chứng minh nét đẹp văn hóa về lòng chung thủy của con người Nhật Bản trong cuộc sống đầy biến đổi. Nếu bạn có ý định du lịch Nhật Bản vào kỳ nghỉ hè, nhất định đừng bỏ qua Lễ hội Obon – Lễ hội đặc sắc nhất ở xứ sở hoa anh đào nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *